Một số băn khoăn của phụ huynh khi cho con học tiếng Anh
[Bài viết của TS Vũ Thị Bích Hải_Giám đốc Học thuật TT Ngoại ngữ & Kỹ năng ETC_GV Đại học Ngoại thương]
Để giúp các anh chị em hiểu rõ thêm, tôi tổng hợp lại những băn khoăn, những câu hỏi thường gặp, một số quan điểm phổ biến của phụ huynh về việc học tiếng Anh hiện nay và đưa ra những giải đáp, tư vấn, thông tin cho những vấn đề đó, hy vọng sẽ là cơ sở tham khảo, giúp ích cho phụ huynh và các em học sinh.
LỨA TUỔI NÊN BẮT ĐẦU HỌC TIẾNG ANH LÀ KHI NÀO?
Nếu có điều kiện, cho trẻ học càng sớm càng tốt thông qua nhiều hình thức khác nhau, qua trò chơi, qua tương tác, hoạt động. Trẻ con học tiếng sẽ nhanh hơn người lớn. Nếu học tiếng Anh từ bé (giao tiếp với người bản ngữ) đứa trẻ sẽ bắt chước, định hình phát âm và giao tiếp nghe, nói một cách tự nhiên theo cách của người bản xứ. Trẻ có thể bắt đầu tham gia các lớp học tiếng Anh quy củ khi 4 tuổi. Nếu bắt đầu sớm từ 3 tuổi thì thời gian mỗi buổi học nên ngắn hơn.
Trẻ con học tiếng Anh, trong những năm đầu tiên, khi chưa biết chữ hoặc những năm đầu của tiểu học, tập trung chủ yếu để rèn luyện phản xạ tiếng Anh, định hình phát âm, tích lũy từ vựng, tăng khả năng nghe, và giao tiếp. Khi biết chữ rồi, trẻ sẽ học nhận biết mặt chữ, gắn những từ đã biết viết với mặt chữ rồi học viết, học đọc. Việc đánh giá tiếng Anh của trẻ giai đoạn học khi chưa thành thạo đọc viết bằng tiếng mẹ đẻ thường chỉ ở các kỹ năng: Nghe, phát âm, giao tiếp và từ vựng. Đánh giá sử dụng theo các chứng chỉ Cambridge (Starters_Pre A1, Movers_A1, Flyers_A2 – 4 kỹ năng) sẽ dùng đối với học sinh từ 7-12 tuổi. Như vậy, theo khung tham chiếu Cambridge, các học sinh không phải học trường chuyên ngữ, song ngữ, quốc tế, nhưng được học tiếng Anh quy củ cả 4 kỹ năng thì lớp 2,3 học mức độ Starters, 3,4 đạt mức độ Movers, 4,5 mức độ Flyers là phù hợp. Đối với những trẻ học tiếng Anh thường xuyên, các hệ tiếng Anh và năng lực ngôn ngữ tốt thì có thể đạt mức trình độ B1 (lớp 5, 6). Các thang đánh giá này được thực hiện đối với cả 4 kỹ năng (tính mức trung bình chung).
HỌC TIẾNG ANH CÓ CẦN PHẢI ĐỀU ĐẶN, LIÊN TỤC KHÔNG?
Rất cần thiết bởi vì học tiếng Anh không chỉ là việc tích lũy kiến thức của một ngôn ngữ mới mà là học tập và rèn luyện một kỹ năng mới để có thể sử dụng thành thạo. Học sinh | người học cần một lượng thời gian để nhớ và hiểu được kiến thức rồi mới vận dụng được theo nhiều các cấp độ sử dụng khác nhau. Việc rèn luyện kỹ năng để thành thạo cần phải được thực hiện đều đặn, lâu dài mới mang lại hiệu quả. Nếu quá trình học bị gián đoạn, người học sẽ quên những kiến thức và kỹ năng đã học nên khi muốn học lại sẽ mất thời gian để ôn tập, học lại những kiến thức và kỹ năng đã học, và như thế thì sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian và chi phí, đồng thời làm giảm động lực học tập.
HỌC TIẾNG ANH CHỈ CẦN NGHE NÓI TỐT LÀ ĐƯỢC, KHÔNG CẦN CHÚ TRỌNG NGỮ PHÁP.
Quan điểm này đúng với học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lứa tuổi rất nhỏ (mầm non, đầu tiểu học), khi mục đích của việc học là giúp đứa trẻ bắt chước định hình phát âm, rèn luyện phản xạ nghe và tương tác thông qua cách học từ, cấu trúc truyền khẩu tương tự như học tiếng mẹ đẻ. Khi đứa trẻ đã lớn, đọc viết tiếng mẹ đẻ tốt, đứa trẻ nên bắt đầu được hướng dẫn ngữ pháp tiếng Anh để hình thành ý thức nói và viết đúng cũng như đọc hiểu và nghe hiểu được ngôn ngữ ở mức độ tốt hơn và đáp ứng các yêu cầu về sử dụng tiếng Anh ở mức độ cao hơn trong học tập và giao tiếp.
Học sinh nên bắt đầu học ngữ pháp quy củ phù hợp với nhận thức và lứa tuổi từ lớp 4, không nên học ngữ pháp tiếng Anh sớm quá vì sẽ mất nhiều thời gian hơn để đứa trẻ hiểu về nội dung kiến thức và vận dụng khi chúng mới bắt đầu học và làm quen với tiếng Anh, hoặc mới biết đọc và viết tiếng Việt. Khi học ngữ pháp, trẻ em nên được hướng dẫn vận dụng kiến thức ngữ pháp đó trong các tình huống sử dụng ngôn ngữ, nghe, nói, tập viết câu. Nên học những giáo trình ngữ pháp được thiết kế phù hợp với nhận thức và lứa tuổi của học sinh. Không nên sử dụng những giáo trình ngữ pháp ôn luyện theo khung Châu Âu cho học sinh trung học hay người lớn để dạy học sinh tiểu học, điều này dẫn đến trường hợp quá tải kiến thức, học sinh học rất nhiều những kiến thức khó chỉ mỗi mục tiêu là để luyện đề cho thi cử.
Hiệu quả nhất đối với học tiếng Anh là được học đồng thời Ngữ pháp, Từ vựng và cả 04 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Việc học tích hợp các kỹ năng sẽ giúp cho học sinh vận dụng và sử dụng ngôn ngữ tốt hơn, hiệu quả hơn và có thể giảm được thời lượng học tập đáng kể.
CHỈ CẦN HỌC GIAO TIẾP VỚI GIÁO VIÊN NƯỚC NGOÀI LÀ ĐƯỢC [KHÔNG QUAN TRỌNG GIÁO VIÊN BẢN NGỮ HAY KHÔNG].
Quan điểm này chưa thực sự đúng, vì:
* Học giao tiếp tốt và nhanh nhất là với người bản ngữ nói tốt tiếng Anh, bởi vì không phải người bản ngữ nào cũng nói tốt tiếng mẹ đẻ của họ. Lý do đó là: ngoài phát âm chuẩn, vốn từ vựng của họ biết nhiều hơn, phong phú hơn và quan trọng là họ sử dụng những từ đó linh hoạt, tự nhiên và đúng ngữ cảnh. Hơn nữa, học với người bản ngữ, ngoài cơ hội để học tiếng Anh chuẩn, học sinh sẽ được tiếp xúc với cách tư duy mới và văn hóa của quốc gia nói tiếng Anh đó.
* Trường hợp nếu không có điều kiện để học với GVBN, cần phải học với giáo viên không bản ngữ có chất lượng, được đào tạo và có năng lực tiếng Anh tốt. Vì nếu học từ những giáo viên không phải bản ngữ mà năng lực tiếng Anh không tốt đặc biệt là kỹ năng Nghe, Nói thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất không tích cực đến năng lực nghe, nói, tư duy nói và phát âm của học sinh.
HỌC TIẾNG ANH Ở TRUNG TÂM THÌ ĐIỂM SỐ Ở TRƯỜNG CŨNG PHẢI CAO.
Hiện nay, hình thức đào tạo tại các trung tâm tiếng Anh chủ yếu để giúp học sinh cải thiện những kỹ năng mà học sinh không có điều kiện hoặc ít có điều kiện học ở trường, ví dụ: học để cải thiện kỹ năng phát âm, nghe nói, học để củng cố ngữ pháp cho chắc chắn, hoặc học để tích lũy kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho những kỳ thi chứng chỉ quốc tế. Rất ít các trung tâm dạy theo các chương trình của các trường phổ thông. Trường phổ thông sẽ ra đề theo nội dung chương trình mà theo quy định của bộ, của trường.
Khi học tại trung tâm, học sinh thường sẽ được kiểm tra và sắp xếp theo đúng trình độ của mình được hướng dẫn đồng thời các kỹ năng theo lộ trình thời gian trước sau theo các thứ tự ưu tiên tùy theo kỹ năng nào cần trước. Ví dụ: nhiều học sinh khi trình độ tiếng Anh học còn yếu, đăng ký học tiếng Anh ở trung tâm trình độ thấp hơn những kiến thức đang học tại lớp, khoảng cách kiến thức giữa những gì các con đang có và trên lớp phải mất một thời gian mới rút ngắn được. Vì vậy, nếu phụ huynh vừa mong muốn con trau dồi tại trung tâm những kỹ năng còn yếu ( chủ yếu nghe, nói, phát âm), lại vừa muốn con đạt được điểm cao khi làm bài kiểm tra trên lớp ở trường (chủ yếu ngữ pháp, các đề thi_là những kiến thức con còn hổng, chưa kịp bù đắp hoặc được luyện) thì sẽ rất khó cho các con và không đánh giá khách quan được hiệu quả của trung tâm đào tạo. Nếu phụ huynh muốn con tăng được cả điểm số ở trường khi học trung tâm thì nên cho con học tích hợp tất cả các kỹ năng và cho con thời gian để kịp tích lũy và bù đắp kiến thức.
TẬP TRUNG LUYỆN NGỮ PHÁP, LUYỆN ĐỀ ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐẠT ĐIỂM SỐ CAO TRÊN LỚP, THI CHUYỂN CẤP, THI VÀO TRƯỜNG CHUYÊN, LỚP CHỌN, THI CHỨNG CHỈ, KHÔNG CHÚ TRỌNG HỌC ĐỂ SỬ DỤNG TIẾNG ANH TRONG GIAO TIẾP NÓI VÀ VIẾT.
Hình thức đào tạo tiếng Anh và thi cử ở các trường phổ thông, đại học hiện nay đã tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh lựa chọn học tiếng Anh để trải qua các kỳ thi. Điều này đã làm cho mục tiêu của việc học và dạy tiếng Anh không được thỏa mãn đúng đắn. Mục tiêu của học tiếng Anh là phải sử dụng được tiếng Anh, ít nhất là phải nghe, nói, đọc và viết được. Tuy nhiên, với hình thức học luyện hiện nay, tập trung chủ yếu vào thi ngữ pháp, nên nhiều phụ huynh và học sinh đã ưu tiên cho việc học ngữ pháp mà không chú trọng đến các kỹ năng khác, vì vậy dẫn đến hiện tượng là có quá nhiều học sinh điểm số, thành tích, giải thưởng rất tốt nhưng khả năng sử dụng và vận dụng tiếng Anh thực tế lại rất chưa tốt. Nhiều bạn rất tốt ngữ pháp nhưng khả năng nghe, phát âm còn nhiều hạn chế và ngại nói, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Ngay cả khi có sự thay đổi, áp dụng hình thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế như chứng chỉ IELTS, TOEFL hay các chứng chỉ Cambridge khác cho đầu vào các trường đại học, hay cộng điểm, sự thay đổi hy vọng làm cho chất lượng học và dạy tiếng Anh ở Việt Nam được cải thiện hơn, hình thức đào tạo “sổi” vẫn khá phổ biến. Đó là việc đào tạo không chú trọng vào những kiến thức kỹ năng tiếng Anh nền tảng cần thiết để người học trong quá trình học tập vừa tăng được khả năng tiếng Anh, vừa thi được điểm số tốt. Quá nhiều nhiều nơi đào tạo chỉ tập trung vào những chiến lược, kỹ thuật làm bài, mẹo học thuộc hay ghi nhớ để đối phó với kỳ thi để thi đạt chứng chỉ_những thứ chỉ phù hợp với những học sinh có trình độ tiếng Anh đã tương đối tốt.
Hy vọng những giải đáp ngắn gọn sẽ giúp giảm bớt phần nào những băn khoăn của các vị phụ huynh.
Trân trọng!
TS Vũ Thị Bích Hải